Máu vẫn luôn được đánh giá là một loại mẫu “quyền năng” nhất trong lĩnh vực xét nghiệm, tuy nhiên việc thu nhận mẫu máu có vẻ sẽ không hề dễ chịu đối với nhiều người. Trong đó, nước bọt là loại mẫu thay thế ít đau đớn hơn trong chẩn đoán và đã trở thành xu thế mới trong lĩnh vực xét nghiệm. Bài viết này sẽ giới thiệu xu hướng mới trong xét nghiệm chẩn đoán dựa trên nước bọt.
Vì sao mẫu nước bọt đến nay mới được quan tâm?
Nước bọt có thể xem như là một mẫu máu không chứa tạp chất, đóng vai trò như một “tấm gương thể hiện tình trạng sức khỏe của cơ thể”. So với mẫu máu, mẫu nước bọt cực kỳ dễ thu nhận, không cần đào tạo nhiều về kỹ thuật thu mẫu do đó hầu như không tốn chi phí thuê người lấy máu. Hơn nữa, việc lấy mẫu nước bọt hoàn toàn không gây đau đớn nên rất phù hợp với trẻ sơ sinh và người cao tuổi.
Tuy nhiên, thành phần trong nước bọt thường ở mức thấp hơn so với mẫu máu từ 100 đến 1,000 lần, vì vậy sự phát triển về độ nhạy của các kỹ thuật PCR, ELISA, microarray, mass spectrometry (khối phổ), … chính là cơ sở để chuyển sang sử dụng nước bọt. Tuy nhiên, hầu hết các xét nghiệm dựa trên nước bọt vẫn hầu hết chỉ được phép tiến hành trong phòng thí nghiệm.
Cho đến năm 2012, FDA đã đồng ý cấp chứng nhận cho phép bộ xét nghiệm OraQuick HIV 1/2 của hãng OraSure được phép bán trên thị trường kênh OTC và người tiêu dùng có thể mua từ các nhà thuốc để về tự xét nghiệm tại nhà. Điều này đã mở ra một kỷ nguyên mới về việc các kỹ thuật xét nghiệm dựa trên nước bọt khác hoàn toàn có thể được thực hiện tại nhà.
Có thể xét nghiệm những gì từ mẫu nước bọt?
Nghiên cứu từ dự án về hệ protein của nước bọt (2006) do Viện Y Học Quốc Gia Hoa Kỳ (NIH) tài trợ đã mô tả hơn 1,166 loại protein trong nước bọt và nhiều protein trong đó có vai trò liên quan đến bệnh tật hoặc sự phát triển của bệnh tật. Sự thay đổi của các protein có trong nước bọt có thể giúp chẩn đoán chính xác và không gây đau đớn một số bệnh, vì vậy dự án về hệ protein của nước bọt đã thúc đẩy mạnh mẽ các nghiên cứu trong lĩnh vực đầy tiềm năng này.
Trong nước bọt có hiện diện nhiều dấu ấn sinh học (biomarker) như protein, DNA, RNA, … nhiều bệnh ác tính có thể được phát hiện dựa trên các dấu ấn sinh học này, đặc biệt là ung thư và các bệnh truyền nhiễm.
Năm 2013, tiểu bang Massachusetts đã đầu tư hơn 4 triệu USD cho Viện Forsyth để xây dựng một trung tâm dành riêng cho việc nghiên cứu phát triển và thương mại hóa các xét nghiệm chẩn đoán bằng nước bọt, đây là một động thái rõ ràng về sự quan tâm của chính phủ dành cho xét nghiệm nước bọt.
Vai trò của thiết bị thu nhận mẫu nước bọt
Dĩ nhiên, thành công của xét nghiệm chẩn đoán bằng nước bọt có sự đóng góp không nhỏ của thiết bị thu nhận mẫu. Mẫu được thu nhận và bảo quản tốt sẽ giúp tăng khả năng thành công của các xét nghiệm phía sau.
Có 2 cách phổ biến dùng để phân loại thiết bị thu nhận mẫu nước bọt:
- Dựa trên đặc điểm mẫu: loại dùng cho nước bọt toàn phần và loại dùng cho nước bọt tuyến.
- Dựa trên mục đích sử dụng: loại dùng cho sinh học phân tử và loại không dùng cho sinh học phân tử.
Bảo quản mẫu sau thu nhận cũng cần được quan tâm, một thiết bị thu nhận cho phép bảo quản mẫu ở nhiệt độ phòng dĩ nhiên sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều so với việc phải bảo quản mẫu trong điều kiện lạnh.
Thiết bị thu nhận, bảo quản mẫu của Norgen Biotek
Norgen Biotek (Canada) là một trong những đơn vị chuyên về các bộ kit thu nhận, bảo quản, tách chiết DNA/RNA từ nhiều nguồn mẫu sinh phẩm khác nhau, hầu hết đều thao tác ở nhiệt độ phòng và đã được cấp chứng nhận CE-IVD.
Trong thiết bị thu nhận và bảo quản mẫu nước bọt của Norgen Biotek, mẫu được bảo quản trong dung dịch đệm được biết đến có khả năng hỗ trợ cho việc ly giải tế bào cũng như bảo quản tốt DNA (hoặc RNA) trong mẫu. Đồng thời, dịch bảo quản này còn có khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn, nấm cũng như làm bất hoạt virus.
Tài liệu tham khảo
- Khurshid, Z., Zohaib, S., Najeeb, S., Zafar, M. S., Slowey, P. D., & Almas, K. (2016). Human saliva collection devices for proteomics: An update. International journal of molecular sciences, 17(6), 846.
- Punyadeera, C., & Slowey, P. D. (2019). Saliva as an emerging biofluid for clinical diagnosis and applications of MEMS/NEMS in salivary diagnostics. In Nanobiomaterials in Clinical Dentistry (pp. 543-565). Elsevier.
- Slowey, P. D. (2015). Saliva collection devices and diagnostic platforms. In Advances in Salivary Diagnostics (pp. 33-61). Springer, Berlin, Heidelberg.
------------
GENESMART CO., LTD | Phân phối ủy quyền 10X Genomics, Altona, Biosigma, Hamilton, IT-IS (Novacyt), Norgen Biotek, Rainin tại Việt Nam.